Thị trấn Hương Khê được thành lập theo Quyết định số 222 - HĐBT ngày 19/8/1985 của Hội đồng Bộ trưởng. Mặc dù mới được hình thành với tư cách là một đơn vị hành chính, nhưng vùng đất này đã có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài.  

Trong chiều dài lịch sử, người dân Thị trấn Hương Khê đã biểu thị những phẩm chất cao đẹp. Đó là tinh thần yêu lao động, cần cù, chịu thương chịu khó; tinh thần hiếu học; lối sống giản dị, chân chất nhưng cũng mạnh mẽ, kiên trung và đậm nghĩa tình… Nổi bật nhất chính là lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên trung.

Từ khi ra đời, đặc biệt là từ khi Đảng bộ được thành lập đến nay, Thị trấn Hương Khê đã thay đổi một cách nhanh chóng. Từ một vùng đất cách trở, kinh tế lạc hậu, dân cư thưa thớt, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cùng với sức lao động, sáng tạo không mệt mỏi của nhân dân, Thị trấn đã từng bước vươn mình mạnh mẽ trở thành một đô thị sầm uất, đang hướng tới xây dựng đô thị văn minh. Đến nay, kinh tế có bước phát triển nhanh chóng, bộ mặt ngày càng khang trang, hiện đại, chính trị ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. 

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Thị trấn Hương Khê là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Hương Khê. Toạ độ địa lý: 18010’33’’ vĩ Bắc, 105042’6’’ kinh Đông. Tổng diện tích tự nhiên là 566,25 ha. Chiều dài của Thị trấn theo hướng Bắc -Nam là 5,2 km, chiều rộng từ Đông sang Tây chỗ rộng nhất gần 3km. 

Phía Bắc và Tây Bắc giáp xã Hương Long;  

Phía Đông giáp các xã Gia Phố và Lộc Yên;  

Phía Tây giáp xã Phú Phong và Phú Gia;  

Phía Nam và Đông Nam giáp các xã Hương Trà và Lộc Yên.     

Về địa hình: Nhìn chung, địa hình của Thị trấn Hương Khê khá đa dạng, có đồi núi, sông suối. Tuy nhiên, là một vùng thuộc huyện miền núi nên về cơ bản, địa hình của Thị trấn Hương Khê vẫn mang tính chất đồi núi, được hình thành trên các sườn đồi, tuy không cao. Phần lớn đồi núi tập trung về phía Đông và phía Bắc. Ở phía Bắc của Thị trấn, có dãy đồi Eo Cổ Ngựa được biết đến như một cửa ải quan trọng đi vào căn cứ Sơn phòng Phú Gia thời kỳ Cần Vương chống Pháp; có động Cao là đồn lũy bảo vệ Sơn phòng thời kỳ Cần Vương và là nơi đặt trận địa pháo thời chống Mỹ; có Bãi Nậy nơi diễn ra cuộc mít tinh của nhân dân trung và thượng huyện trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Ở phía Đông, có dãy động Hà, động Đá, động Trồi, động Lăng. Ở phía Đông Nam có động Cây Thau. Xen lẫn với các đồi núi, có một số vùng có thể canh tác nông nghiệp.

Vùng trung tâm Thị trấn Hương Khê như một thung lũng, xung quanh được bao bọc bởi những đồi núi của Thị trấn và các xã tiếp giáp.

Về thổ nhưỡng: Về cơ bản, đất đai của Thị trấn Hương Khê có chung đặc điểm với các xã khác trong huyện. Đất đai ở Thị trấn Hương Khê có thể phân làm hai loại chính đó là đất đồi núi và đất đồng bãi. Đất đồi núi chủ yếu là đất Feralit rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại, gia trại. Đất đồng bãi chủ yếu là đất dọc bờ sông Ngàn Sâu và sông Tiêm. Loại đất này thích hợp cho việc canh tác các loại cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày và rau màu. 

Do điều kiện địa hình nên đất đai ở các vùng của Thị trấn có những điểm khác nhau. Vùng phía Bắc tuy không có sông suối nhưng do nước mùa mưa tràn từ trên đồi xuống tạo thành vùng tương đối rộng (kéo dài đến tận làng Phúc Ấm - Hương Long) chủ yếu là đất có phủ cát khoảng 0,3 đến 0,4m. Đất này kém dinh dưỡng, nghèo mùn, khi mưa xuống có biểu hiện sình lầy, chỉ thích hợp trồng cây hoa màu ngắn ngày. Một số khu vực ở vùng trung tâm, đất đai bị bào mòn nên xuất hiện đất đá, khó canh tác nông nghiệp. Ở một số vùng khác, đất lại có đá ong, đá vôi. Vùng từ động Lặt đến động Mun, khu vực phía bắc Hồ Bình Sơn đất tương đối màu mỡ.

Đất canh tác nông nghiệp của Thị trấn Hương Khê không lớn, diện tích chỉ có 65 hécta. Một phần do việc san lấp khe Leo của dân cư trước đây, một phần do quá trình đô thị hóa phát triển nhanh. Hiện nay, đất sản xuất nông tập trung chủ yếu ở khu vực ven sông và những tổ dân phố mới được thành lập (Tổ dân phố 16, 17, 18).

Về khí hậu: Khí hậu ở Thị trấn Hương Khê mang đặc trưng chung của  vùng miền núi phía Tây Hà Tĩnh với tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa và được phân thành bốn mùa rõ rệt trong năm. Mùa xuân tiết trời tương đối ấm áp. Mùa hè nóng bức, nhiệt độ cao, có gió phơn Tây Nam (gió Lào). Mùa thu mưa nhiều, hay bị bão lụt. Mùa đông khô hanh, có mưa phùn, gió bấc. Các tháng 11, 12 thường có rét đậm. Gió mùa Đông Bắc thường gây ra mưa phùn từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa ở đây rất lớn. Vào mùa đông, nhiệt độ thấp nhất có lúc xuống tới 50C, vào mùa hè có ngày nhiệt độ lên tới 400C. Do đặc điểm của địa hình có đồi núi, có hồ nước, khe suối nên nhiệt độ giữa các vùng trong thị trấn cũng có sự chênh lệch. Nhìn chung, vùng hồ Dài, động Cao ở phía Bắc có nhiệt độ thấp hơn vùng phía Nam. Mặc dầu diện tích giáp sông rất ít, nhưng Thị trấn cũng chịu tác động của các con sông lớn nhất của huyện là sông Ngàn Sâu, sông Tiêm. Ở những vùng lân cận sông, khí hậu mát mẻ hơn. Bình quân lượng mưa hàng năm là 2500mm - 3200mm, tập trung vào tháng 9 và 10, có ngày mưa tới hơn 500mm. Độ ẩm trung bình trên 80%.

Đặc điểm của khí hậu nói trên đã tạo điều kiện cho người dân Thị trấn Hương Khê thuận lợi trong việc lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi, tuy nhiên, cũng gây nhiều khó khăn trong việc phòng trừ dịch bệnh, chăm sóc.

Về tài nguyên: Khoáng sản có giá trị nhất của Thị trấn Hương Khê là những mỏ đá vôi nổi, chìm với trữ lượng khoảng 1 triệu tấn, nằm rải rác ở nhiều nơi trên thị trấn. Về cơ bản, nguồn khoáng sản này hiện nay vẫn chưa được đầu tư khai thác. Ngoài ra, ở Thị trấn Hương Khê còn có những bãi cát, đá dọc hai bên bờ sông Ngàn Sâu và sông Tiêm. Đây là nguồn vật liệu quan trọng phục vụ cho quá trình xây dựng, kiến thiết của nhân dân địa phương.   

Các tài liệu thời nhà Nguyễn như Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí đều nói đến sắt ở các xã Chu Lễ, Xuân Lụng, Đô Khê, Phúc Trạch… Nằm giữa những vùng đất nói trên, nên rất có thể ở Thị trấn Hương Khê cũng thuộc dải sắt của huyện Hương Khê. Tuy nhiên, hiện nay chưa có điều kiện để khảo sát.

Về sông ngòi: So với các xã khác trong huyện, Thị trấn Hương Khê không có nhiều sông suối bằng, nhưng ở đây vẫn có những con sông quan trọng của huyện chảy qua. Sông Ngàn Sâu và sông Tiêm chảy qua Thị trấn về phía ĐôngNam và phíaNam. Sông Ngàn Sâu là con sông lớn nhất của huyện Hương Khê, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua các xã ở vùng thượng huyện rồi đến địa phận Thị trấn Hương Khê (vùng tiếp giáp với xã Lộc Yên và Gia Phố). Sông Tiêm cũng bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua các xã Phú Gia, Hương Vĩnh, Hương Xuân, Phú Phong rồi đến Thị trấn Hương Khê, sau đó nhập vào sông Ngàn Sâu. Sông Ngàn Sâu và sông Tiêm có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân Thị trấn Hương Khê.

Ngoài ra, phía Bắc Thị trấn có một số khe suối nhỏ bắt nguồn từ động Cao chảy vào hồ Dài. Hệ thống này có lưu lượng dòng chảy nhỏ, mùa hè hầu như không có nước. Phần trung tâm Thị trấn có khe Leo chảy vào hồ Bình Sơn và đưa nước đổ ra sông Ngàn Sâu. Kể từ năm 2001 lại nay, một số khe suối ở Thị trấn còn được điều tiết bởi lượng nước từ công trình thuỷ lợi sông Tiêm chảy vào các hồ Bình Sơn ở vùng trung tâm và hồ Dài ở phía Bắc.       

Hồ Bình Sơn nằm ở trung tâm Thị trấn với diện tích mặt thoáng là 80.000m2, dung tích 280.000m3. Nước hồ được điều tiết từ công trình thủy lợi Sông Tiêm. Hồ Bình Sơn được chính thức khởi công xây dựng vào tháng 9/1994, hoàn thành vào tháng 12/1999. Hiện nay, huyện đã đầu tư làm mới tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và nâng cấp đảo hồ Bình Sơn, xây dựng đường và trồng cây xanh xung quanh tạo nên cảnh quan rất đẹp và nên thơ. Hồ Bình Sơn trở thành biểu tượng của Thị trấn Hương Khê, là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của huyện. 

            Về giao thông: Thị trấn Hương Khê có đủ các tuyến đường giao thông huyết mạch của quốc gia như đường sắt, đường bộ, đường thủy.   

Đường sắt đi qua Thị trấn có chiều dài khoảng 2km. Ga Hương Phố nằm ở phía Đông Nam là một trong những ga trung tâm của tỉnh Hà Tĩnh, có vai trò ngày càng quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa và hành khách. Ngày nay, ngoài tàu địa phương chạy từ Vinh đến Đồng Hới và ngược lại, còn có nhiều đoàn tàu BắcNamdừng tại ga để đón, trả khách.

Đường bộ chạy qua địa bàn Thị trấn có tuyến Quốc lộ 15A và Đường Hồ Chí Minh. Quốc lộ 15A vốn là con đường huyền thoại trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, nay đã được rải thảm chạy qua trung tâm hành chính của Thị trấn và huyện Hương Khê. Đường Hồ Chí Minh là con đường giữ vị trí quan trọng của quốc gia về kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng. Đoạn chạy qua Thị trấn dài hơn 5km. Hai tuyến đường này có vai trò lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.   

Sông Ngàn Sâu là tuyến đường thuỷ quan trọng nhất của Thị trấn. Trước đây, nhờ sông Ngàn Sâu, việc lưu thông của người dân càng thêm thuận tiện. Từ Thị trấn Hương Khê có thể đến các trung tâm kinh tế khác của tỉnh như Đức Thọ và xa hơn nữa là thành phố Vinh của tỉnh Nghệ An. Ngày nay, việc lưu thông bằng đường thuỷ ngày càng ít, các con sông chủ yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt.     

          Hiện nay, hệ thống đường giao thông nội thị đã được đầu tư rải thảm, đổ nhựa, đổ bê tông. Các tuyến đường đi các xã Gia Phố, Hương Long, Phú Gia, Lộc Yên, Phú Phong cũng được mở rộng, nâng cấp.

Với vị trí là đầu mối giao thông, Thị trấn Hương Khê có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

II. CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI

Đến năm 2018, dân số của Thị trấn Hương Khê là 12.805 người với 3.512 hộ gia đình.      

          Sau khi thống nhất đất nước, nhất là sau các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Hương Khê khoá XVII (tháng 8/1975) và khoá XVIII (tháng 5/1976), công tác dời chuyển các cơ quan, công sở, trường học đến vùng đất thuộc địa bàn Thị trấn ngày nay bắt đầu được đẩy mạnh. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức các cơ quan, trường học về đóng trên đia bàn có hơn 890 người. Tại đây đã hình thành các khu vực sinh sống của các gia đình giáo viên Trường cấp III Hương Khê, cán bộ Phòng Giáo dục huyện, cán bộ công nhân viên Bệnh viện Hương Khê, xã viên Hợp tác xã mộc Bình Sơn...  

Kể từ khi thành lập Thị trấn, dân cư tập trung ngày càng đông đúc. Dân của Thị trấn một phần là những người vốn sinh sống ở đây từ trước (thuộc xã Phú Phong và Gia Phố), một phần đến từ nhiều xã từ trong huyện do theo gia đình đến lập nghiệp ở trung tâm của huyện hay là những gia đình làm việc tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện. Một bộ phận khác đó là lực lượng lao động trong quân đội trở về, công nhân các nông lâm trường như Lâm trường Chúc A, Lâm trường Trại Trụ nghỉ hưu, bộ đội phục viên… Ngày nay, Thị trấn Hương Khê có sự góp mặt đầy đủ của dân cư các xã trong huyện. Ngoài ra, cũng có những bộ phận từ huyện khác trong tỉnh, kể cả các tỉnh khác như Quảng Bình, Quảng Trị và các tỉnh phía bắc do nhu cầu làm ăn đến sinh sống. Hiện nay, trên địa bàn Thị trấn có nhiều dòng họ lớn cùng chung sống như họ Nguyễn, họ Phạm, họ Trần, họ Phan, họ Đặng, họ Hoàng, họ Ngô, họ Lê...  

Đại bộ phận dân cư Thị trấn Hương Khê là người Kinh (Việt). Vào những năm 1979-1980, một bộ phận gốc người Hoa đã có mặt ở vùng đất Thị trấn Hương Khê. Đến nay, Thị trấn có 20 hộ, 108 nhân khẩu người Hoa.  

Đa số người dân Thị trấn Hương Khê sống bằng nghề buôn bán, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Một bộ phận là công chức, viên chức nhà nước, học sinh. Một số ít dân cư làm nghề nông.   

Người Thị trấn có đời sống tín ngưỡng tương đối phong phú. Tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nhìn chung, các gia đình cho dù có hoàn cảnh khá giả hay khó khăn đều lập bàn thờ gia tiên để thắp hương tưởng niệm ông bà tổ tiên vào dịp giỗ chạp, lễ, tết… Những họ lớn, đông người thì lập nhà thờ riêng, họ nhỏ ít người thì lập bàn thờ họ ở nhà tộc trưởng. Nhiều dòng họ còn lưu giữ hoặc xây dựng được gia phả, tộc phả của mình. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là truyền thống lâu đời, thực sự là nét đẹp văn hoá của người Thị trấn Hương Khê.

Người dân Thị trấn Hương Khê cũng rất coi trọng việc thờ cúng, tri ân những người hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì nước, vì dân. Lễ kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ hàng năm được tổ chức một cách trang nghiêm, thành kính. Cũng như người ở các nơi khác, nhân dân Thị trấn Hương Khê luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất và thiêng liêng nhất cho Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị “cha già của dân tộc”, người đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở giữa hồ Bình Sơn là niềm tự hào của nhân dân Thị trấn, là nơi biểu thị sự kính trọng của nhân dân đối với Người.     

Tôn giáo chủ yếu ở Thị trấn Hương Khê là Thiên chúa giáo. Đến năm 2015, Thị trấn có 764 hộ, 3.149 người theo đạo Thiên chúa. Trên địa bàn Thị trấn có 1 nhà thờ xứ là Nhà thờ Gia Phố (ở tổ dân phố 14); 2 nhà thờ họ là Nhà thờ Tân Phương (ở tổ dân phố 9) và Nhà thờ An Hoà (ở tổ dân phố 14). Bà con giáo dân kính Chúa, yêu nước, sống “tốt đời đẹp đạo”, đoàn kết, chăm lo xây dựng kinh tế gia đình. Hiện nay, nhiều gia đình đã vươn lên trong sản xuất kinh doanh, có mức thu nhập cao. Nhiều học sinh có thành tích học tập xuất sắc, nhiều người thành đạt. Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước về tôn giáo, bà con giáo dân được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế, văn hóa.  

Hiện nay, trên địa bàn Thị trấn Hương Khê không có chùa Phật, nhưng nhiều gia đình vẫn đi lễ chùa ở các xã lân cận. Nhìn chung, người dân Thị trấn luôn sống tu nhân tích đức, làm việc thiện, luôn giữ tâm sáng. Bên cạnh đó, hệ tư tưởng Nho giáo cũng có tác động vào đời sống của một bộ phận người dân Thị trấn, được biểu hiện trong việc giữ gìn nề nếp gia phong.     

Đời sống của nhân dân Thị trấn Hương Khê ngày càng phát triển. Cuộc sống vật chất dần no đủ, mức hưởng thụ văn hoá tinh thần không ngừng được nâng cao. Người dân Thị trấn có lối sống đoàn kết, thắm tình làng nghĩa xóm, trọng tình nghĩa, hiếu học và yêu lao động.      

III. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH THỊ TRẤN HƯƠNG KHÊ  

Căn cứ vào tài liệu cổ, vùng đất Thị trấn Hương Khê thời xa xưa thuộc bộ Việt Thường. Đến thời Lý, Trần (thế kỷ XI - XIV) thuộc hương Đỗ Gia (đầu thời Lê đổi thành huyện Đỗ Gia). Đến năm 1469 vua Lê Thánh Tông đổi tên huyện Đỗ Gia thành huyện Hương Sơn. Từ đó đến năm 1867, vùng đất thị trấn Hương Khê thuộc huyện Hương Sơn.

Năm Tự Đức thứ 21 (1867), cắt 5 tổng của huyện Hương Sơn là Quy Hợp,  Phương Điền, Chu Lễ, Phúc Lộc và Hương Khê để lập thành huyện Hương Khê. Lúc mới thành lập, huyện Hương Khê có 5 tổng, 37 xã, thôn. Vùng đất thị trấn Hương Khê thuộc xã Chu Lễ, tổng Chu Lễ.

Thời Pháp thuộc, huyện Hương Khê có 5 tổng, 43 xã, thôn. Tổng Chu Lễ gồm 13 xã: Gia Phổ, Loan Dã, Nam Trạch, Ninh Cường, Phúc Ấm, Phú Gia, Phú Phong, Thượng Bình, Thượng Trạch, Tri Bản, Trung Định, Trung Hà, Xuân Lũng[1]. Thời gian này, vùng đất Thị trấn Hương Khê thuộc Phú Phong và Gia Phổ.     

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, xã Phú Phong và Xuân Lũng (Hương Xuân ngày nay) nhập thành xã Phú Xuân. Vùng đất Thị trấn Hương Khê thuộc Phú Xuân và Gia Phổ.  

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, các xã lớn được chia thành các xã nhỏ. Xã Phú Xuân được chia thành hai xã là Hương Xuân và Hương Phong. Xã Hiệp Phổ (thành lập từ năm 1948-1949, bao gồm Gia Phổ và Thịnh Lạc) được chia thành hai xã là Hương Phố và Hương Thịnh. Thời gian này, vùng đất Thị trấn Hương Khê thuộc các xã Hương Phong, Hương Phố.  

Từ năm 1976, đơn vị hành chính cấp xã của huyện Hương Khê có thay đổi. Xã Hương Phong được đổi thành xã Phú Phong. Hai xã Hương Phố và Hương Thịnh được nhập thành xã Gia Phố. Từ đó đến năm 1985, vùng Thị trấn Hương Khê thuộc xã Phú Phong và Gia Phố.      

Mặc dù đến năm 1985 mới chính thức có quyết định thành lập Thị trấn huyện Hương Khê, nhưng những dự định để xây dựng một trung tâm huyện lỵ mới, xứng tầm đã được lãnh đạo cấp trên đặt ra từ trước đó. Quá trình phát triển của sự nghiệp cách mạng địa phương đã đặt cho huyện Hương Khê một vấn đề quan trọng là phải tìm địa điểm mới thay thế cho Chu Lễ với tư cách là trung tâm huyện lỵ. Chu Lễ từ lâu là huyện lỵ của Hương Khê, tuy nhiên đây là địa bàn thấp, dễ bị ngập lụt, giao thông cách trở, lại không nằm ở vị trí trung tâm của huyện. Địa điểm mới thay thế phải có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nằm ở vị trí trung tâm cho cả huyện và có nhiều tiềm năng để phát triển. Ngay từ sớm, lãnh đạo chủ trì của huyện Hương Khê đã có nhiều trăn trở, tìm kiếm. Quá trình xây dựng Thị trấn Hương Khê là một quá trình lâu dài, bắt đầu từ những năm 1960.     

          Năm 1960, huyện Hương Khê bị trận lụt lớn kéo dài nhiều ngày. Với địa hình thấp, gần sông, Chu Lễ bị ngập nặng. Từ đó trở đi, nhiều hoạt động của huyện Hương Khê bắt đầu chuyển dần lên phía Nam. Năm học 1960-1961, Trường cấp II Hương khê được tái lập, đặt tại động Lăng thuộc địa phận xã Hương Phố, thu hút học sinh từ 15/37 xã trong huyện Hương Khê đến theo học[2]. Trường có quy mô 10 lớp, có phòng thí nghiệm, nhà ký túc xá cho giáo viên. Cũng trong năm 1960, Trạm Khí tượng thủy văn Hương Khê được xây dựng trên đỉnh động Đá, sau này chuyển đến động Mun. Tiếp theo đó, trong năm học 1964-1965, Trường Cấp III Hương Khê được thành lập, được xây dựng gần Trường cấp II Hương Khê (nằm ở phía Bắc Trường cấp II Hương Khê). Ban đầu, Trường có quy mô 2 lớp 8.  

          Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, huyện Hương Khê chủ trương di chuyển địa điểm đóng Bệnh viện Hương Khê. Bởi vì, với quy mô chưa đầy 20 giường bệnh, Bệnh xá ở Chu Lễ không thể đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện Hương Khê được xây dựng mới ở động Sồi (phía Đông đường sắt Bắc -Nam) thuộc khu vực Tổ dân phố 14 ngày nay. Việc di chuyển địa điểm bệnh viện mới mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tập thể cán bộ nhân viên bệnh viện đã nhanh chóng ổn định công tác tổ chức và đi vào hoạt động. Trong những năm 1963-1965, bệnh viện có 50 giường bệnh, bước đầu đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Giữa lúc công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang trên đà phát triển mạnh, tháng 8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, tiến hành đánh phá miền Bắc. Hương Khê là một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt. Các cơ quan, trường học, bệnh viện trên địa bàn huyện phải hoạt động trong hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn. Bệnh viện Hương Khê chuyển về Hương Long, Trường cấp II Hương Khê phải sơ tán về các làng để đảm bảo an toàn. Trung tâm huyện lỵ ở Chu Lễ là một trong những nơi bị đánh phá ác liệt nhất. Vì vậy, các cơ quan hành chính cấp huyện lần lượt được sơ tán.      

Trong những năm 1966 - 1973, mặc dầu chiến tranh hết sức ác liệt nhưng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vẫn tiếp tục được thực hiện. Thời gian này, các Hợp tác xã Mộc Bình Sơn, Hợp tác xã Cơ khí Trường Sơn đã được thành lập ở vùng đất Thị trấn ngày nay. Các cơ sở sản xuất này nhanh chóng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của huyện. Sau này cũng trở thành những làng nghề quan trọng của Thị trấn thời gian mới thành lập cũng như về sau.   

       Từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX, công tác chuẩn bị cho việc thành lập thị trấn mới tiếp tục được thực hiện. Thông qua khảo sát thực địa, phương án có nhiều lợi thế nhất vẫn là tiếp nối ý tưởng từ những năm 60 của thế kỷ XX. Địa điểm được chọn là vùng tiếp giáp giữa hai xã Gia Phố và Phú Phong, tức là địa bàn trung tâm Thị trấn ngày nay. Đây là vùng có diện tích khá rộng, tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho hoạt động của các xã trong toàn huyện. Đồng thời, đây cũng là nơi có địa bàn chiến lược quan trọng, có đầy đủ các tuyến đường huyết mạch của đất nước. Mặt khác, các phương án đảm bảo an toàn trong thời kỳ chiến tranh được triển khai tốt. Cách đó khoảng 5 km về phía Bắc (nay thuộc địa phận xã Hương Long) có bãi Pháo, nơi đặt trận địa pháo của huyện. Nhân dân sống ở đây là những người có truyền thống yêu nước, kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bao bọc xung quanh vùng đất này là nhiều xã tiêu biểu ở Hương Khê như Gia Phố, Lộc Yên, Hương Xuân, Phú Phong, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long. Đây là những xã có truyền thống lịch sử, đại bộ phận là những đơn vị anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.   

        Công tác quy hoạch khu vực Thị trấn từng bước được triển khai. Những năm 1972-1977, huyện Hương Khê bắt đầu chuyển dời các cơ quan công sở, khu dân cư, trước hết là làng nghề lên địa điểm đã định. Do nhu cầu phát triển sản xuất, đầu năm 1973, Hợp tác xã Mộc Bình Sơn đã xây dựng kho gỗ và xưởng sản xuất, đi vào hoạt động. Có thể nói, Hợp tác xã Mộc Bình Sơn là cơ sở kinh tế đầu tiên của Thị trấn. Năm 1973, cơ quan Quân sự huyện chuyển từ xã Hương Long về tiếp quản Doanh trại Bộ đội thông tin (nay là tổ dân phố 19). Tiếp đó, Hợp tác xã Cơ khí Trường Sơn chuyển về gần Hợp tác xã Mộc Bình Sơn. Năm 1974, huyện bắt đầu cho xây dựng Trường Đảng. Cuối 1974, việc xây dựng trụ sở mới của Ủy ban huyện, Huyện ủy được tiến hành ở vùng thuộc tổ dân phố 4 ngày nay. Đến 1975, các cơ quan này chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động. Năm 1975, thành lập làng nghề Hợp tác xã đốt vôi, vẫn lấy tên cũ là Hợp tác xã Tân Thủy (đóng ở khu vực từ động Bà đến Trại Lăng và sườn Đông của động Trồi).

Trong những năm 1975 – 1976, các đơn vị khác như Hợp tác xã May mặc, Tổ sửa chữa, Cửa hàng Bách hóa huyện, Cửa hàng thực phẩm, Cửa hàng Vật tư, Hợp tác xã Mua bán huyện… đã hoàn thành công tác xây dựng và di dời đến địa điểm mới. Trong năm 1977, các đơn vị Cửa hàng Lương thực và Bệnh viện huyện được xây dựng xong và đi vào hoạt động. Năm 1978, chợ Sơn cũng được hình thành.    

Có thể nói, đến cuối những năm 1970, về cơ bản Thị trấn mới của huyện Hương Khê đã được hình thành trên thực tế. Vùng đất này đã là nơi đóng những cơ quan chủ chốt của Đảng, chính quyền và các cơ sở giáo dục, y tế cũng như các đơn vị quan trọng khác của huyện. Ngoài ra, các khu dân cư, các làng nghề cũng được hình thành. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những kết quả bước đầu. Để có một đơn vị thị trấn hoàn chỉnh, còn rất nhiều việc phải làm, nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng khu dân cư, tổ chức sản xuất và đời sống…

Đến đầu những năm 1980, quá trình xây dựng Thị trấn Hương Khê tiếp tục được tiến hành khẩn trương. Công tác xây dựng cơ sở vật chất cho các đơn vị, việc chuyển dời các tổ chức văn hóa - xã hội tiếp tục được hoàn thành. Ủy ban nhân dân huyện tăng cường việc quản lý dân cư, tổ chức sản xuất, quy hoạch làng nghề, thành lập các đơn vị tự quản chăm lo công tác chính trị - xã hội. Công tác quản lý hành chính như đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, khai sinh… do Ủy ban nhân dân xã Phú Phong và Ủy ban nhân dân xã Gia Phố đảm nhận. Số lượng dân di chuyển đến vùng đất mới ngày càng đông, nhà cửa của nhân dân được xây dựng ngày càng nhiều.

Đến năm 1985, sau một thời gian dài, với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hương Khê, có thể nói, công tác chuẩn bị cho sự thành lập trung tâm huyện lỵ ở địa điểm mới đã hoàn tất. Yêu cầu về việc thành lập Thị trấn Hương Khê được đặt ra một cách cấp thiết.

Ngày 19/8/1985, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 222-HĐBT về việc thành lập Thị trấn Hương Khê trên cơ sở tách 170 ha diện tích tự nhiên của xã Gia Phố và 57 ha diện tích tự nhiên của xã Phú Phong. Những vùng đất tách từ xã Gia Phố và Phú Phong để thành lập Thị trấn Hương Khê bao gồm các làng Trại Lăng, Động Bà, Trại Lợn, Cây Da… 

Lúc mới thành lập, Thị trấn có 2.980 người, bao gồm 3 khối dân dân cư gắn với các hợp tác xã làng nghề là Bình Sơn, Trường Sơn, Tân Thủy. Trải qua một thời gian xây dựng và phát triển, đến năm 1990, Thị trấn đã có 7 khối dân cư. Năm 2001, Thị trấn tiến hành thành lập nhiều khối mới, từ 7 khối thành 14 khối. Theo Nghị định số 03/NĐ-CP ngày 19/1/2009 của Chính phủ, Thị trấn Hương Khê được mở rộng trên cơ sở điều chỉnh 127,80 ha diện tích tự nhiên và 513 nhân khẩu của xã Hương Long; 89,08 ha diện tích tự nhiên và 792 nhân khẩu của xã Gia Phố; 41,14 ha diện tích tự nhiên và 431 nhân khẩu của xã Phú Phong; 3,25 ha diện tích tự nhiên và 77 nhân khẩu của xã Phú Gia. Sau khi được mở rộng, Thị trấn Hương Khê có diện tích 566,25ha, trở thành trung tâm huyện lỵ có diện tích lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay, các khối được đổi thành tổ dân phố, toàn Thị trấn có 19 tổ dân phố.     

Với Quyết định số 222/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 19/8/1985, Thị trấn Hương Khê chính thức được thành lập. Kể từ đây, Thị trấn Hương Khê trở thành một đơn vị hành chính cấp cơ sở của hệ thống chính quyền bốn cấp của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam. Sự thành lập Thị trấn Hương Khê có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với nhân dân Thị trấn mà cả đối với huyện Hương Khê. Huyện Hương Khê đã có huyện lỵ mới với vị trí nằm ở trung tâm, có vị trí địa lý thuận lợi, nhiều tiềm năng để phát triển, hứa hẹn sẽ trở thành đầu tàu phát triển của toàn huyện. Kể từ đây, nhân dân Thị trấn được tạo điều kiện tốt nhất để sinh sống và phát triển.    

Ngay sau khi thành lập, chính quyền lâm thời của Thị trấn Hương Khê nhanh chóng được thành lập. Đồng chí Phan Minh Duệ được cử làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; đồng chí Trương Xuân Ngọc là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an; các uỷ viên là Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Văn Nhiên, Lê Hữu Long. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời, các đồng chí trong Ủy ban Thị đã cố gắng hết sức mình để quản lý, điều hành xã hội, góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân.

 



[1]   Theo Nguyễn Bá Thành (chủ biên), Hương Khê 135 năm (1867-2002), Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2003, tr. 67.

[2]   Đó là học sinh từ các xã Hương Trạch, Hương Phúc, Hương Lĩnh, Hương Lạc, Hương Đô, Hương Lộc, Hương Mai, Hương Liên, Hương Lâm, Hương Xuân, Hương Vĩnh, Hương Long, Hương Phú,  Hương Phong và Hương Thịnh.